NHÀ TUYỂN DỤNG ĐĂNG TIN TUYỂN DỤNG MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

Tổng cục Hải quan thông báo tuyển dụng công chức năm 2023

Thực hiện Quyết định số 1351/QĐ-BTC ngày 26/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê duyệt Kế hoạch tuyển dụng công chức Tổng cục Hải quan năm 2023, Tổng cục Hải quan thông báo tuyển dụng công chức như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN

1. Điều kiện đăng ký dự tuyển

Theo quy định tại điều 36, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, cụ thể như sau:

a) Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức:

– Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;

– Đủ 18 tuổi trở lên;

– Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng;

– Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp;

– Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

– Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ;

– Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển;

– Đáp ứng tiêu chuẩn chính trị của công chức hải quan;

b) Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức:

– Không cư trú tại Việt Nam;

– Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

2. Chính sách ưu tiên trong tuyển dụng

Thực hiện theo quy định tại điều 5 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ. Hồ sơ xác định ưu tiên trong tuyển dụng như sau:

a) Đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm Vòng 2.

Con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: được cộng 5 điểm vào kết quả điểm Vòng 2.

Các đối tượng trên nộp bản sao (không cần chứng thực) giấy tờ các loại có xác nhận là:

– Anh hùng Lực lượng vũ trang; Anh hùng Lao động; Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ; Thẻ (thương binh, bệnh binh…); Quyết định được hưởng chính sách là thương binh; Quyết định trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hoá học.

– Giấy xác nhận được hưởng chế độ ưu đãi do UBND cấp xã trở lên xác nhận.

b) Đối với sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị: được cộng 5 điểm vào kết quả điểm Vòng 2.

Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm Vòng 2.

Các đối tượng trên nộp bản sao (không cần chứng thực) giấy tờ sau:

Quyết định xuất ngũ hoặc các giấy tờ xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an nhân dân; giấy tờ xác nhận đã tốt nghiệp các khóa đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị.

c) Đối với người dân tộc thiểu số: được cộng 5 điểm vào kết quả điểm Vòng 2 và phải nộp bản  sao (không cần chứng thực) giấy tờ sau:

Giấy khai sinh của thí sinh ghi rõ dân tộc thiểu số. Trong trường hợp giấy khai sinh của thí sinh không ghi rõ thành phần dân tộc, đề nghị thí sinh bổ sung sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân của thí sinh đăng ký dự tuyển (áp dụng theo Công văn số 1446/VPCP-ĐP ngày 20/3/2007 của Văn phòng Chính phủ về việc xác nhận thành phần dân tộc).

Lưu ý: Hồ sơ ưu tiên nêu trên phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trước thời điểm hết hạn nhận Phiếu đăng ký dự tuyển. Nếu thời điểm cấp sau thời điểm hết thời hạn nhận Phiếu đăng ký dự tuyển thì không được cộng điểm ưu tiên theo quy định.

3. Điều kiện miễn thi ngoại ngữ đối với các trường hợp sau:

Thí sinh được miễn thi ngoại ngữ nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

– Có bằng tốt nghiệp Đại học, sau Đại học chuyên ngành ngoại ngữ thuộc 1 trong 5 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung.

– Có bằng tốt nghiệp Đại học, sau Đại học do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định, học bằng 1 trong 5 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung.

– Có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số, trong trường hợp dự tuyển vào công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số: nộp bản chụp Giấy khai sinh của thí sinh ghi rõ dân tộc thiểu số. Trong trường hợp giấy khai sinh của thí sinh không ghi rõ thành phần dân tộc, đề nghị thí sinh bổ sung sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân của thí sinh đăng ký dự tuyển (áp dụng theo Công văn số 1446/VPCP-ĐP ngày 20/3/2007 của Văn phòng Chính phủ về việc xác nhận thành phần dân tộc) hoặc bản chụp (bản photo) chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.

II. CHỈ TIÊU TUYỂN DỤNG

Chỉ tuyển dụng công chức Tổng cục Hải quan năm 2023 là 543 chỉ tiêu, cụ thể như sau:

– 64 chỉ tiêu đối với 11 đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan gồm: Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm định hải quan, Cục Thuế xuất nhập khẩu, Cục Quản lý rủi ro, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Tài vụ – Quản trị, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Tổng cục, Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Cải cách, hiện đại hóa hải quan.

– 479 chỉ tiêu đối với 32 Cục Hải quan tỉnh, thành phố gồm: An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Định, Bình Phước, Cà Mau, Cao Bằng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai – Kon Tum, Hà Giang, Hà Nam Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Trị, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế.

Trong đó, các vị trí việc làm theo ngạch công chức tuyển dụng gồm 10 vị trí việc làm như sau:

– Kiểm tra viên hải quan (mã ngạch: 08.051): 452 chỉ tiêu.

– Văn thư (mã ngạch: 02.007): 18 chỉ tiêu.

– Kế toán viên (mã ngạch: 06.031): 21 chỉ tiêu.

– Chuyên viên (công nghệ thông tin; mã ngạch 01.003): 30 chỉ tiêu.

– Chuyên viên (xây dựng cơ bản; mã ngạch 01.003): 05 chỉ tiêu.

– Chuyên viên (hợp tác quốc tế; mã ngạch 01.003): 02 chỉ tiêu.

– Chuyên viên (kế hoạch tài chính; mã ngạch 01.003): 05 chỉ tiêu.

– Chuyên viên (văn phòng; mã ngạch 01.003): 02 chỉ tiêu.

– Chuyên viên (tổ chức cán bộ; mã ngạch 01.003): 05 chỉ tiêu.

– Chuyên viên (cải cách hiện đại hóa; mã ngạch 01.003): 03 chỉ tiêu.

(Bảng chi tiết chỉ tiêu tuyển dụng theo Phụ lục 1 đính kèm)

IIIĐIỀU KIỆN VỀ TRÌNH ĐỘ THÍ SINH DỰ TUYỂN 

1. Về trình độ chuyên môn

Thí sinh dự tuyển phải có bằng tốt nghiệp Đại học (cử nhân) trở lên (không phân biệt loại hình đào tạo, trường công lập, ngoài công lập), có chuyên ngành đào tạo trên bằng tốt nghiệp hoặc bảng điểm theo yêu cầu của vị trí đăng ký dự tuyển.

(Chi tiết chuyên ngành của từng vị trí dự tuyển tại Phụ lục 2A, 2B kèm theo)

Đối với văn bằng do cơ sở giáo dục trong nước cấp: Trường hợp thí sinh dự tuyển hiện đã tốt nghiệp nhưng chưa được cơ sở đào tạo cấp bằng, khi nộp hồ sơ tuyển dụng có thể nộp giấy chứng nhận hoặc xác nhận tốt nghiệp và chờ cấp bằng của cơ sở đào tạo và phải bổ sung bằng tốt nghiệp trước ngày thi tuyển. Trường hợp trước ngày thi tuyển chính thức, thí sinh chưa bổ sung bằng tốt nghiệp sẽ không được tham dự kì thi.

Đối với văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì phải được công nhận văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thí sinh dự tuyển phải có chuyên ngành đào tạo được ghi trên bằng tốt nghiệp hoặc bảng điểm phù hợp theo yêu cầu của vị trí đăng ký dự tuyển. Trường hợp tên chuyên ngành đào tạo ghi trên bằng tốt nghiệp hoặc bảng điểm có bao gồm tên chuyên ngành đào tạo theo yêu cầu của vị trí đăng ký dự tuyển thì được xem xét để tham gia thi tuyển, ví dụ:

Chuyên ngành đào tạo theo yêu cầu của ngạch đăng ký dự tuyển Chuyên ngành đào tạo ghi trên bằng hoặc bảng điểm được xem xét để tham gia thi tuyển
“Quản trị kinh doanh” Quản trị kinh doanh và quản lý” hoặc “Nghiên cứu quản trị kinh doanh
“Thuế” Thuế, Bảo hiểm”
“Luật” Luật kinh tế”
“Kỹ thuật máy tính” “Tin học và kỹ thuật máy tính
  1. Về trình độ tin học, ngoại ngữ

a) Trình độ tin học.

– Đối với ngạch Kiểm tra viên hải quan, ngạch Chuyên viên và ngạch Kế toán viên: Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

– Đối với ngạch Văn thư: Không yêu cầu.

b) Trình độ ngoại ngữ.

– Đối với ngạch Kiểm tra viên hải quan, ngạch Chuyên viên và ngạch Kế toán viên: Sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ theo vị trí dự tuyển tại các đơn vị như sau:

Nhóm 1 

– Ngạch Kiểm tra viên hải quan tại đơn vị thuộc Cơ quan Tổng cục: Cục Thuế xuất nhập khẩu; Cục Quản lý rủi ro; Cục Giám sát quản lý về hải quan;

– Ngạch kiểm tra viên hải quan tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố: Cục HQ TP. Hà Nội; Cục HQ TP. Hải Phòng; Cục HQ TP. Hồ Chí Minh; Cục HQ TP. Đà Nẵng; Cục HQ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Cục HQ tỉnh Đồng Nai; Cục HQ tỉnh Bình Dương.

– Ngạch Chuyên viên (hợp tác quốc tế, cải cách hiện đại hóa).

 

Sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2004/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014) và tương đương.

Nhóm 2 

– Ngạch Kiểm tra viên hải quan tại đơn vị thuộc Cơ quan Tổng cục: Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm định hải quan;

– Ngạch chuyên viên (kế hoạch tài chính, văn phòng, tổ chức cán bộ) tại Cơ quan Tổng cục

Sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2004/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014) và tương đương.
Nhóm 3 

– Ngạch Kiểm tra viên hải quan tại các đơn vị ngoài Nhóm 1, Nhóm 2.

– Các ngạch Kế toán viên, Chuyên viên (công nghệ thông tin, xây dựng cơ bản).

– Ngạch chuyên viên (kế hoạch tài chính, văn phòng, tổ chức cán bộ) tại Cục Hải quan Hà Nội

 

Sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ bậc 2 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2004/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014) và tương đương.

Hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

– Đối với ngạch Văn thư: Không yêu cầu.

IV. HỒ SƠ TUYỂN DỤNG, HỒ SƠ TRÚNG TUYỂN, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM NỘP HỒ SƠ

1. Hồ sơ đăng ký dự tuyển

Người đăng ký dự tuyển nộp trực tiếp (hoặc qua đường bưu chính) hồ sơ dự tuyển tại trụ sở Tổng cục Hải quan – số 9 đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội; hoặc nộp trực tiếp hồ sơ dự tuyển tại trụ sở Cục Hải quan nơi thí sinh đăng ký dự tuyển.

Mỗi bộ hồ sơ gồm các thành phần tài liệu sau:

a) Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu. Tại Phiếu đăng ký dự tuyển, Thí sinh dự tuyển khai đúng theo hướng dẫn ghi trong phiếu, có thể viết tay hoặc đánh máy nhưng phải ký tên trên từng trang của Phiếu đăng ký; phải cam kết những thông tin đã khai trên phiếu là đúng sự thật, trường hợp khai sai thì kết quả tuyển dụng sẽ bị hủy bỏ và thí sinh dự tuyển phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

b) Bản chụp (không yêu cầu chứng thực, công chứng, sao y) văn bằng tốt nghiệp, bảng điểm học tập (Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ); văn  bằng, chứng chỉ để được miễn thi ngoại ngữ theo quy định.

Đối với văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, khi nộp hồ sơ dự tuyển thí sinh cần nộp bản photo văn bằng và bảng kết quả học tập (tất cả kèm theo bản photo bản dịch sang tiếng Việt công chứng) và bản photo giấy công nhận văn bằng tương đương với trình độ đào tạo quy định tại Khung trình độ Quốc gia Việt Nam theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Đối với người dự tuyển là đối tượng ưu tiên tuyển dụng thì nộp thêm các giấy tờ theo quy định tại thông báo này (đối tượng ưu tiên trong thi tuyển công chức).

Lưu ý:

– Để tránh thất lạc, nhầm lẫn, mỗi bộ hồ sơ của thí sinh phải được đựng trong túi.

– Đối với trường hợp được miễn thi ngoại ngữ do có bằng tốt nghiệp Đại học, sau Đại học do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định, học bằng 1 trong 5 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung: nếu trên bằng hoặc bảng điểm không thể hiện ngôn ngữ đào tạo bằng 1 trong 5 thứ tiếng nêu trên thì thí sinh phải bổ sung thêm tài liệu chứng minh ngôn ngữ đào tạo (xác nhận của cơ sở đào tạo, phụ lục văn bằng,…). Nếu tài liệu chứng minh ngôn ngữ đào tạo là tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt.

– Người dự tuyển không phải nộp các loại giấy tờ như Giấy khám sức khỏe, Sơ yếu lý lịch, Giấy khai sinh (trừ trường hợp hướng dẫn tại mục 2, phần III, Kế hoạch này) và không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi đăng ký dự tuyển.

– Tất cả hồ sơ nêu trên phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trước thời điểm hết hạn nhận Phiếu đăng ký dự tuyển. Nếu thời điểm cấp sau thời điểm hết thời hạn nhận Phiếu đăng ký dự tuyển thì không hợp lệ.

– Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một vị trí việc làm tại một đơn vị, phải ghi rõ nội dung này trong phiếu đăng ký dự tuyển (hồ sơ dự tuyển đã nộp sẽ không trả lại). Nếu phát hiện thí sinh đăng ký dự tuyển không đúng quy định trên, Hội đồng sẽ xem xét loại khỏi danh sách dự thi.

2. Hồ sơ trúng tuyển

Trong trường hợp trúng tuyển, người trúng tuyển phải hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Người trúng tuyển xuất trình bản chính các văn bằng, công nhận văn bằng, chứng chỉ, kết quả học tập, đối tượng ưu tiên đã kê khai tại phiếu đăng ký dự tuyển để Tổng cục Hải quan thẩm tra, xác minh bảo đảm chính xác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ hồ sơ dự tuyển, hồ sơ trúng tuyển công chức của người trúng tuyển, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức thẩm tra, xác minh lý lịch, văn bằng theo hồ sơ dự tuyển của người trúng tuyển. Trong trường hợp phát hiện có vi phạm điều kiện đăng ký dự tuyển công chức, vi phạm trong kê khai phiếu đăng ký dự tuyển, kê khai lý lịch, sử dụng văn bằng không đúng quy định, Tổng cục Hải quan sẽ hủy bỏ kết quả trúng tuyển và xử lý theo quy định.

Ngoài ra, người trúng tuyển có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ công chức theo quy định tại khoản 1, điều 9, Thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức.

3. Thời gian, địa điểm nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển

– Người dự tuyển khai thác mẫu Phiếu đăng ký dự tuyển trên Website của Tổng cục Hải quan tại địa chỉ www.customs.gov.vn để kê khai theo mẫu.

– Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một đơn vị, phải ghi rõ nội dung này trong phiếu đăng ký dự tuyển (hồ sơ dự tuyển đã nộp sẽ không trả lại).

– Thời gian nộp hồ sơ: tiếp nhận hồ sơ dự tuyển trong 30 ngày kể từ ngày thông báo tuyển dụng, cụ thể:

+ Tiếp nhận, sơ tuyển hồ sơ đăng ký dự tuyển công chức theo đường bưu chính trong 25 ngày: từ ngày thông báo đến 17 giờ, ngày 20/8/2023 (tính theo dấu của đơn vị bưu chính nơi gửi). Hồ sơ gửi về địa chỉ: Hội đồng thi tuyển công chức Tổng cục Hải quan năm 2023, Vụ Tổ chức cán bộ – Tổng cục Hải quan, số 09 đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

+ Tổ chức tiếp nhận, sơ tuyển hồ sơ đăng ký dự tuyển công chức trực tiếp tại các địa điểm nộp hồ sơ trong 05 ngày làm việc, từ 21/8/2023 – 25/8/2023 (08 giờ – 17 giờ hàng ngày): thí sinh tự mình đến nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại trụ sở cơ quan Tổng cục Hải quan hoặc trụ sở Cục Hải quan có chỉ tiêu tuyển dụng nêu tại Thông báo này.

4. Lệ phí đăng ký dự tuyển

– Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 92/2021/TT-BTC ngày 28/10/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.

– Thí sinh đủ điều kiện dự thi sẽ nộp lệ phí dự thi khi đi tham dự thi vòng 1.

V. NỘI DUNG, HÌNH THỨC THI TUYỂN VÀ XÁC ĐỊNH THÍ SINH TRÚNG TUYỂN

1. Nội dung và hình thức thi tuyển

Thi tuyển công chức được thực hiện theo 02 vòng thi:

a) Vòng 1: Thi trắc nghiệm bằng hình thức thi trên máy vi tính, gồm 02 phần với nội dung và thời gian như sau:

– Phần I: Kiến thức chung gồm 60 câu hỏi thuộc 04 lĩnh vực: hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ; các kiến thức về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan. Thời gian thi 60 phút và sử dụng ngân hàng đề thi chung cho tất cả các vị trí dự tuyển, bao gồm quy định tại các văn bản sau:

+ Hệ thống chính trị và tổ chức bộ máy nhà nước

(1) Hiến pháp năm 2013.

(2) Luật tổ chức chính phủ số 76/2017/QH 13.

(3) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13.

(4) Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

(5) Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

+ Công chức, công vụ và quản lý hành chính nhà nước

(1) Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

(2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12.

(3) Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

(4) Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 18/6/2020.

(5) Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

(6) Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức./.

(7) Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/08/2020 của Chính Phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

(8) Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/03/2020 của Chính phủ về công tác văn thư.

(9) Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.

(10) Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.

+ Hệ thống tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ ngành Hải quan

(1) Luật Hải quan số 54/2014/QH13.

(2) Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính.

(3) Quyết định số 1919/QĐ-BTC ngày 06/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

(4) Quyết định số 1384/QĐ-BTC ngày 20/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm tra sau thông quan trực thuộc Tổng cục Hải quan.

(5) Quyết định số 1385/QĐ-BTC ngày 20/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Giám sát quản lý về hải quan trực thuộc Tổng cục Hải quan.

(6) Quyết định số 1386/QĐ-BTC ngày 20/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý rủi ro trực thuộc Tổng cục Hải quan.

(7) Quyết định số 1387/QĐ-BTC ngày 20/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế xuất nhập khẩu trực thuộc Tổng cục Hải quan.

(8) Quyết định số 1388/QĐ-BTC ngày 20/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm định hải quan trực thuộc Tổng cục Hải quan.

(9) Quyết định số 1399/QĐ-BTC ngày 20/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Điều tra chống buôn lâu trực thuộc Tổng cục Hải quan.

(10) Quyết định số 1052/QĐ-BTC ngày 16/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công nghệ thong tin và thống kê hải quan trực thuộc Tổng cục Hải quan.

(11) Quyết định số 1066/QĐ-BTC ngày 16/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng thuộc Tổng cục Hải quan.

(12) Quyết định số 1068/QĐ-BTC ngày 16/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Tài vụ- Quản trị trực thuộc Tổng cục Hải quan.

(13) Quyết định số 1069/QĐ-BTC ngày 16/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Tổng cục Hải quan.

(14) Quyết định số 1048/QĐ-BTC ngày 16/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Hợp táp quốc tế thuộc Tổng cục Hải quan.

(15) Quyết định số 1050/QĐ-BTC ngày 16/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Thanh tra-Kiểm tra thuộc Tổng cục Hải quan.

(16) Quyết định số 1051/QĐ-BTC ngày 16/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế thuộc Tổng cục Hải quan.

– Phần II: Ngoại ngữ tiếng Anh gồm 30 câu hỏi, thời gian thi 30 phút. Nội dung thi theo trình độ ngoại ngữ yêu cầu của ngạch và vị trí dự tuyển, cụ thể:

+ Đối với ngạch Kiểm tra viên hải quan, ngạch Chuyên viên và ngạch Kế toán viên:

Nhóm 1 

– Ngạch Kiểm tra viên hải quan tại đơn vị thuộc Cơ quan Tổng cục: Cục Thuế xuất nhập khẩu; Cục Quản lý rủi ro; Cục Giám sát quản lý về hải quan;

– Ngạch kiểm tra viên hải quan tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố: Cục HQ TP. Hà Nội; Cục HQ TP. Hải Phòng; Cục HQ TP. Hồ Chí Minh; Cục HQ TP. Đà Nẵng; Cục HQ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Cục HQ tỉnh Đồng Nai; Cục HQ tỉnh Bình Dương.

– Ngạch Chuyên viên (hợp tác quốc tế, cải cách hiện đại hóa).

 

Trình độ bậc 4, Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2004/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014) và tương đương.

Nhóm 2 

– Ngạch Kiểm tra viên hải quan tại đơn vị thuộc Cơ quan Tổng cục: Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm định hải quan;

– Ngạch chuyên viên (kế hoạch tài chính, văn phòng, tổ chức cán bộ) tại Cơ quan Tổng cục

Trình độ bậc 3, Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2004/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014) và tương đương.
Nhóm 3 

– Ngạch Kiểm tra viên hải quan tại các đơn vị ngoài Nhóm 1, Nhóm 2.

– Các ngạch Kế toán viên, Chuyên viên (công nghệ thông tin, xây dựng cơ bản).

– Ngạch chuyên viên (kế hoạch tài chính, văn phòng, tổ chức cán bộ) tại Cục Hải quan Hà Nội

 

Trình độ bậc 2, Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2004/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014) và tương đương.

+ Đối với ngạch Văn thư: Không phải thi.

Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì thí sinh được  thi tiếp vòng 2.

b) Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành, theo hình thức phỏng vấn.

– Thang điểm: 100 điểm.

– Thời gian thi: 30 phút cho một thí sinh (thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị trước khi phỏng vấn).

– Nội dung thi: kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của thí sinh dự tuyển công chức theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, bao gồm quy định tại các văn bản sau:

+ Vị trí việc làm Kiểm tra viên hải quan (mã ngạch: 08.051) tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; Cục Thuế xuất nhập khẩu; Cục Quản lý rủi ro; Cục Giám sát quản lý về hải quan: kiến thức tại Luật Hải quan, Luật quản lý ngoại thương, Luật thuế xuất nhập khẩu và một số văn bản hướng dẫn các văn bản nêu trên, bao gồm:

(1) Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;

(2) Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016;

(3) Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12/6/2017;

(4) Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

(5) Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

(6) Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

(7) Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

+ Vị trí việc làm Kiểm tra viên hải quan (mã ngạch: 08.051) tại Cục Điều tra chống buôn lậu: một số kiến thức về hàng hải, quản lý, sử dụng tàu thuyền tại các văn bản sau:

(1) Bộ luật hàng hải Việt Nam số: 95/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc Hội Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

(2) Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.

(3) Nghị định 84/2018/NĐ-CP ngày 28/5/2018 của Chính phủ về ngưng hiệu lực đối với một số quy định tại Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.

(4) Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15/10/2019 quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

(5) Thông tư số 33/2022/TT-BGTVT ngày 12/12/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

+ Vị trí việc làm Kiểm tra viên hải quan (mã ngạch: 08.051) tại Cục Kiểm định hải quan: một số kiến thức về phân tích, phân loại hàng hóa, giám định, kiểm tra chuyên ngành tại các văn bản sau:

(1) Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

(2) Thông tư số 17/2021/TT-BTC ngày 26/02/2021 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 14/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

(3) Nghị định  số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

(4)  Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

(5) Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

(6) Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK.

(7) Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam ban hành theo Thông tư 31/2022/TT-BTC ngày  8/6/2022 của Bộ Tài chính  (Sáu quy tắc tổng quát (phụ lục 2) và các Chương có liên quan đến hóa chất và các sản phẩm hóa chất, dược phẩm, thực phẩm, polyme…, khoáng sản, vật liệu).

(8) Cơ sở hóa học phân tích. Tác giả Hoàng Minh Châu, Từ Văn Mạc, Từ Vọng Nghi. Nhà xuất bản khoa học kỹ thuật, năm 2007.

(9) Hoá học phân tích. Tác giả Trần Tứ Hiếu. Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2004.

(10) Phân tích hoá thực phẩm. Tác giả Hà Duyên Tư. Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật, năm 2009.

+ Vị trí việc làm Văn thư (mã ngạch: 02.007): một số kiến thức về lưu trữ học và quản trị văn phòng; hành chính văn thư; văn thư – lưu trữ tại các văn bản sau:

(1) Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 ngày 11/11/2011.

(2) Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư.

(3) Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu.

(4) Thông tư số 02/2019/TT-BNV ngày 24/01/2019 của Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào và yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử.

Vị trí việc làm Kế toán viên (mã ngạch: 06.031): một số kiến thức về pháp luật kế toán, nguyên lý kế toán, các chế độ tài chính, thống kê, các chuẩn mực kế toán; hình thức và phương pháp kế toán; các chế độ kế toán áp dụng trong ngành, lĩnh vực kế toán nhà nước; có kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hiện đại để trao đổi và sử dụng các tài liệu kế toán, thông tin kế toán, phần mềm kế toán, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử.

+ Vị trí việc làm Chuyên viên (công nghệ thông tin; mã ngạch 01.003): một số kiến thức về công nghệ thông tin (kỹ thuật máy tính; khoa học máy tính; kỹ thuật phần mềm – mạng máy tính và truyền thông); Kiến thức về quản trị Cơ sở dữ liệụ.

+ Vị trí việc làm Chuyên viên (xây dựng cơ bản; mã ngạch 01.003): một số kiến thức về xây dựng dân dụng, kinh tế xây dựng, gồm kiến thức tại các văn bản sau:

(1) Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về Hợp đồng xây dựng.

(2) Nghị định 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

(3) Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

(4) Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

+ Vị trí việc làm Chuyên viên (kế hoạch tài chính, văn phòng, tổ chức cán bộ, cải cách hiện đại hóa; mã ngạch 01.003): một số kiến thức về pháp luật, chế độ chính sách của ngành, lĩnh vực và các kiến thức cơ bản về lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ được giao, gồm các quy định tại các văn bản sau:

+ + Hệ thống chính trị và tổ chức bộ máy nhà nước.

(1) Hiến pháp năm 2013.

(2) Luật tổ chức chính phủ số 76/2017/QH 13.

(3) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13.

(4) Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

(5) Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

+ + Công chức, công vụ.

(1) Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

(2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12.

(3) Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

(4) Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 18/6/2020.

(5) Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

(6) Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức./.

(7) Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/08/2020 của Chính Phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

(8) Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/03/2020 của Chính phủ về công tác văn thư.

(9) Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.

(10) Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.

+ Vị trí việc làm Chuyên viên (hơp tác quốc tế; mã ngạch 01.003):

++  Kiến thức chung về hợp tác quốc tế:

(1) Chính sách hợp tác và hội nhập quốc tế của Việt Nam: Tham khảo thông tin trên các website chính thống của Đảng và Nhà nước.

(2) Các cam kết quốc tế trong lĩnh vực thương mại và hải quan: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Kinh tế đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TF), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN+, Hiệp định, Hiệp định thương mại song phương (Hoa Kỳ, Anh, Hàn Quốc, Lào, Chi Lê,…);

(3) Chính sách tạo thuận lợi thương mại về thủ tục hải quan và thuế: Các Nghị định hướng dẫn thực hiện các Hiệp định thương mại và Hiệp định thương mại tự do: Nghị định số 112/2022/NĐ-CP, Nghị định số 113/2022/NĐ-CP, Nghị định số 115/2022/NĐ-CP, Nghị định số 116/2022/NĐ-CP, Nghị định số 117/2022/NĐ-CP, Nghị định số 129/2022/NĐ-CP, Nghị định số 121/2022/NĐ-CP, Nghị định số 126/2022/NĐ-CP,…

(4) Hợp tác về lĩnh vực hải quan trong các khuôn khổ đa phương: Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) (https://www.wcoomd.org/); Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (https://www.wto.org/); Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) (https://apec.com.vn/); Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) (https://aseminfoboard.org/); Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (https://asean.org/).

(5) Các tổ chức quốc tế hợp tác trong lĩnh vực hải quan: Tìm hiểu về các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các tổ chức thuộc Liên hợp quốc (UNODC, UNEP, INCB,…): tìm hiểu thông tin trên các website chính thống.

(6) Các chương trình dự án phối hợp với các tổ chức quốc tế: Chương trình Kiểm soát Công-ten-nơ, Megaport, Kiểm soát xuất khẩu.

(7) Tầm quan trọng của công tác hợp tác quốc tế và đối ngoại với các đối tác nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

++ Kỹ năng dịch (Anh – Việt và Việt – Anh) về một số nội dung: Kinh tế – Chính trị – Ngoại giao; Các vấn đề thời sự; Văn hóa; Thương mại; Lĩnh vực về Hải quan (vai trò, nhiệm vụ của cơ quan Hải quan).

2. Xác định trúng tuyển

a) Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải có đủ các điều kiện sau:

– Có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên;

– Có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên theo quy định (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng đơn vị.

b) Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả điểm thi vòng 2 cộng với điểm ưu tiên theo quy định (nếu có) bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.

c) Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.

VI. DANH SÁCH ĐỦ ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC THI TUYỂN

– Thời gian dự kiến tổ chức thi tuyển:

a) Khu vực thi phía Bắc (Dự kiến tại TP. Hà Nội hoặc tỉnh Hưng Yên): đối với thí sinh dự thi vào các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố (Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Dương, Cao Bằng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nam Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ninh, Quảng Trị):

+ Vòng 1: thi trắc nghiệm trên máy tính, dự kiến 09 ngày (từ ngày 23/10 – 31/10/2023).

+ Vòng 2: thi phỏng vấn môn nghiệp vụ chuyên ngành, dự kiến 10 ngày (từ ngày 04/11 – 13/11/2023).

b) Khu vực thi phía Nam (Dự kiến tại TP. Cần Thơ): đối với thí sinh dự thi vào các Cục Hải quan tỉnh, thành phố(An Giang, Bình Định, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Gia Lai – Kon Tum, Kiên Giang, Long An, Quảng Nam, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế):

+ Vòng 1: thi trắc nghiệm trên máy tính, dự kiến 05 ngày (từ ngày 20/11 – 24/11/2023).

+ Vòng 2: thi phỏng vấn môn nghiệp vụ chuyên ngành, dự kiến 05 ngày (từ ngày 27/11 – 01/12/2023).

– Hội đồng thi tuyển công chức Tổng cục Hải quan năm 2023 sẽ thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện dự tuyển công chức, thời gian, địa điểm tổ chức thi tuyển, kết quả thi tuyển và các thông tin điều chỉnh (nếu có) trên Website của Tổng cục Hải quan (địa chỉ: www.customs.gov.vn) và website của Cục Hải quan tỉnh, thành phố có thí sinh đăng ký dự tuyển. Tổng cục Hải quan không gửi thông báo bằng giấy đến từng thí sinh.

Lưu ý:

– Thí sinh đã được Hội đồng tiếp nhận hồ sơ phải chủ động theo dõi danh sách thí sinh đủ điều kiện dự tuyển, thông tin về thời gian, địa điểm thi tuyển và kết quả thi tuyển chính thức tại Website của Tổng cục Hải quan www.customs.gov.vn và website của Cục Hải quan tỉnh, thành phố có thí sinh đăng ký dự tuyển.

– Liên hệ:

+ Số điện thoại của Hội đồng thi tuyển công chức Tổng cục Hải quan năm 2023: 024.39440833 (máy lẻ: 9247, 9232).

+ Liên hệ qua Phòng Tổ chức cán bộ/bộ phận Tổ chức cán bộ của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố có chỉ tiêu tuyển dụng.

VII. NỘI DUNG KHÁC

Tổng cục Hải quan đã quán triệt, phổ biến và đề nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Hải quan không tổ chức ôn thi hoặc tham gia hướng dẫn ôn thi kỳ thi công chức hải quan năm 2023. Đồng thời, nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được giao nhiệm vụ tổ chức, triển khai kỳ thi tuyển công chức Tổng cục Hải quan năm 2023 tổ chức ôn thi hoặc tham gia hướng dẫn ôn thi kỳ thi công chức hải quan năm 2023 dưới mọi hình thức.

Tổng cục Hải quan thông báo./.

***Tệp đính kèm: 

1. Thông báo tuyển dụng công chức Tổng cục Hải quan năm 2023

2.1. Phụ lục 1 Chỉ tiêu tuyển dụng

2.2. Phụ lục 2A, 2B chuyên ngành tuyển dụng

3. Phiếu Đăng ký dự tuyển CC TCHQ 2023

Nguồn tin: customs.gov.vn

NHÀ TUYỂN DỤNG ĐĂNG TIN TUYỂN DỤNG MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

    BẠN ĐANG CẦN TÌM VIỆC? HÃY ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN VIỆC LÀM NGAY NHÉ